Hơn 400 nhà dân, chuồng trại ngập sâu trong lũ tại Quảng Bình (Clip: NXH)
Do ảnh hưởng của bão số 4, mưa lớn kéo dài trong 2 ngày đã khiến nước từ các sông, suối trên thượng nguồn đổ về gây ngập nặng nề, có tới 428 hộ dân bị ảnh hưởng nặng do nước lũ trên 716 hộ tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 10 giờ trưa 20/9, mưa lũ đã làm hơn 400 nhà dân ở Tân Hóa bị ngập sâu từ 0,5 – 2 m.
Nước dâng cao khiến nhiều thôn bị chia cắt, phương tiện giao thông duy nhất lúc này có thể di chuyển giữa các thôn và kết nối Tân Hóa với các vùng lân cận là thuyền, bè.
Nơi đây được biết là “rốn lũ”, mỗi khi mùa mưa tới, nước từ các khu vực đều đồ về Tân Hóa do nơi đây có đặc thù địa hình lòng chảo, hiện nay việc sinh sống tại đây gặp rất nhiều khó khăn, nông nghiệp cũng chỉ có thể canh tác một mùa ngô/năm, du lịch cũng chỉ có thể đón khách vào những lúc không ngập lụt. Nơi đây đã từng trải qua những trận lụt lịch sử vào những năm 2007, 2010 và 2020, có nơi nước dâng cao tới 30m.
Trường mầm non, nhà văn hóa và nhiều ngôi nhà tại Tân Hóa đã ngập sâu trong nước.
Từ khoảng những năm 2012 người dân Tân Hóa đã xây dựng các căn nhà phao bên cạnh nhà chính để có thể chuyển hết đồ đạc tài sản có gia trị và sinh sống trên nhà phao, những căn nhà phao này có thể nổi lên theo dòng nước lũ dâng.
Tính đến ngày 20/09, đã có 428 hộ dân phải chuyển lên nhà phao sinh sống do nước bắt đầu dâng cao.
Tại một vài vị trí cao hơn ở trong xã Tân Hóa, nước cũng đã bắt đầu dâng cao, thuyền máy cũng đã được người dân chuẩn bị sẵn sàng.
Toàn xã có hơn 716 hộ dân, hiện nay có 428 hộ đã hứng chịu ảnh hưởng của nước lũ. Đặc biệt nhờ nhà phao nên bà con địa phương đã ứng phó một cách chủ động làm giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Mô hình nhà phao – một sáng kiến được triển khai từ nhiều năm trước đã giúp người dân thích ứng với lũ lụt. Khi nước dâng, nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong.
Theo ông Trương Xuân Hùng phó chủ tịch xã Tân Hóa cho biết:” hiện nay địa phương gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù địa hình của Tân Hóa, bà con mọi năm đều phải sống chung với lũ, nước đã dâng trong 2 ngày, Tân Hóa gần như rơi vào trạng thái bị cô lập, bà con nhân dân tuy đã dự trữ đồ ăn nhưng vẫn gặp khó khăn về nước sạch và nếu như nước lũ dâng cao và tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới công tác vệ sinh và sức khỏe của bà con nhân dân”
Hai cha con ông Đinh Xuân Minh (thôn 4, Tân Hóa) đã phải chèo thuyền khoảng gần 1km từ nhà để ra tới thôn 5 nơi có vị trí cao hơn để mua thêm lương thực tích trữ phục vụ sinh hoạt
Ba mẹ con chị Trần Thị Thơm (thôn 4, Tân Hóa) đã dọn lên nhà phao sinh sống được 2 ngày, do nhà vắng bóng đàn ông lại mới sinh con nhỏ, mọi việc chuyển đồ đạc đều do mẹ chồng chị Thơm hỗ trợ, tài sản quý giá nhất là chiếc xe máy đã được gửi lên nhà người thân ở trên núi, chị Thơm chia sẻ:” hiện nay lương thực thì gia đình vẫn kịp tích trữ, nước sạch thì đã dần hết, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên nhà phao, không có điện nên nguồn sáng chỉ từ đèn pin, tuy vậy vẫn có thể nấu nướng cho 2 con bằng bếp gas”.
Hiện nay các tuyến đường hướng vào Tân Hóa đều đang trong tình trạng ngập nước, có nơi đã bị tê liệt do nước dâng cao. Các ngầm tràn đi dọc theo TL559B từ Đồng Hới vào Tân Hóa bị nhiều thân cây chặn giữa đường do nước từ thượng nguồn mang về, ở một hướng khác do cầu chưa được xây xong, chiếc cầu tạm bắc qua sông cũng đã chìm sâu trong nước.
Tân Hóa được nhiều du khách biết đến nhờ vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng và phong cảnh bình yên. Tháng 10/2023, làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất của UNWTO nhằm ghi nhận một điểm đến trở thành một ví dụ nổi bật về du lịch nông thôn với các tài nguyên về văn hóa và thiên nhiên. Nơi đó đã bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và văn hóa dựa vào cộng đồng, đồng thời có cam kết rõ ràng về tính bền vững ở mọi khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường với mục tiêu căn bản là đưa du lịch trở thành một trong những động lực cho sự chuyển đổi tích cực, phát triển nông thôn và phúc lợi xã hội.